THUYẾT VỆ SINH VÀ HEN CÓ THỰC SỰ LIÊN QUAN KHÔNG
- By : Dược sĩ Lưu Anh
- Category : Tin Tức Sức Khỏe
Các tế bào lympho Th1 là các thành tố trung gian quan trọng gây ra các bệnh tự miễn còn các tế bào Th2 là các chất trung gian gây viêm chịu trách nhiệm hình thành các bệnh dị ứng qua trung gian IgE.
Contents
1. CÓ PHẢI DỄ BỊ HEN VÌ QUÁ SẠCH SẼ?
ThS Nguyễn Như Vinh(*) Xã hội hiện đại đòi hỏi con người sống ngày càng vệ sinh hơn và thực sự chúng ta đang làm hết sức mình để tránh những thứ dơ bẩn hay mầm bệnh bằng mọi cách như sử dụng xà phòng “tiệt trùng” hay máy lọc không khí vì nỗi ám ảnh phải được sạch sẽ.
Nhưng liệu môi trường “siêu sạch” như thế có giúp chúng ta hay con cái chúng ta mạnh khỏe hơn không? Nhiều chuyên gia tin rằng môi trường quá sạch sẽ và ít có mầm bệnh (vi sinh) như ở các quốc gia phát triển hiện nay có thể làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh dị ứng trong đó có bệnh hen suyễn.
Sau thời kỳ công nghiệp hóa và đô thị hóa ở các nước phát triển, các bệnh dị ứng lại gia tăng một cách đáng kể và các nghiên cứu dịch tễ cho thấy tỷ lệ mắc bệnh dị ứng ở các nước phát triển hơn lại cao hơn.
Có nhiều giả thiết được hình thành để giải thích cho sự gia tăng này và thuyết vệ sinh là một thuyết được ưa chuộng nhất. Thuyết này được đề xuất từ năm 1989 bởi giáo sư dịch tễ người Anh David Strachan [1].
2.CÁC THUYẾT LÍ LUẬN
Qua nghiên cứu dịch tễ ở những gia đình có đông con ông thấy rằng những đứa con út thường bị các anh chị của nó lây bệnh viêm nhiễm đường hô hấp ở những năm đầu đời thì lại ít bị các bệnh dị ứng hay hen suyễn khi lớn lên. Qua nghiên cứu này, ông cho rằng ít tiếp xúc với mầm bệnh hay quá vệ sinh trong những năm đầu đời có thể là một lý do gia tăng các bệnh dị ứng về sau. Điều đó giải thích tại sao khi môi trường sống ở các nước phát triển tốt hơn thì tỷ lệ bệnh dị ứng lại gia tăng. Nhiều nghiên cứu dịch tễ sau đó cũng ủng hộ giả thiết rằng tiếp xúc với vi sinh trong những năm đầu đời sẽ giảm được nguy cơ mắc các bệnh viêm mũi dị ứng, chàm hay hen suyễn [2- 6].
Thuyết này sau đó được giải thích qua cơ chế miễn dịch với sự mất cân bằng về miễn dịch qua trung gian Th1 và Th2. Các tế bào lympho Th1 là các thành tố trung gian quan trọng gây ra các bệnh tự miễn còn các tế bào Th2 là các chất trung gian gây viêm chịu trách nhiệm hình thành các bệnh dị ứng qua trung gian IgE [7]. Người ta nghĩ rằng việc ít tiếp xúc với các tác nhân nhiễm trùng trong thời thơ ấu sẽ góp phần làm cho hệ miễn dịch trưởng thành ít theo hướng Th1 mà chủ yếu theo hướng Th2 sẽ dẫn đến gia tăng các bệnh dị ứng [8].
3.KẾT LUẬN
Mặc dù chưa được hiểu biết tường tận và có nhiều bằng chứng còn mâu thuẫn nhưng hiện tỷ lệ bệnh hen và dị ứng ở trẻ em tiếp tục gia tăng ở các nước phương tây [9,10] làm cho thuyết vệ sinh vẫn được xem là bằng chứng chứng tỏ môi trường “quá sạch” ở các quốc gia phát triển này là nguyên nhân gây ra tình trạng gia tăng dị ứng ở trẻ em.
THEO: NHI KHOA MD TRẦN
Không có phản hồi