Viêm họng mạn tính biểu hiện như thế nào trên lâm sàng
- By : Dược sĩ Lưu Anh
- Category : Tin Tức Sức Khỏe
Viêm họng mạn tính là một trong những bệnh thường gặp, nam mắc nhiều hơn nữ.
Phản ứng của niêm mạc họng đối với viêm mạn tính thể hiện dưới ba hình thức chính: xuất tiết, quá phát và xơ teo.
1. Nguyên nhân
Contents
Bệnh thường gặp do ảnh hưởng của ngạt, tắc mũi mạn như: viêm mũi, vẹo vách ngăn, cuốn mũi quá phát, polyp mũi dẫn đến phải thở bằng mồm kéo dài, nhất là về mùa lạnh. Hoặc do viêm xoang nhất là viêm xoang sau: nhày mủ luôn chảy xuống họng. Còn có thể do viêm amiđan mạn tính.
Chất kích thích: hơi hoá chất, bụi vôi, bụi xi măng, khói thuốc lá, rượu…
Cơ địa: tạng khớp, suy gan, thận, bệnh gút, urê máu cao…
2. Triệu chứng
2.1. Triệu chứng toàn thân
Thường không có gì đặc biệt, nhưng trong những đợt viêm cấp thì có sốt, mệt mỏi.
2.2. Triệu chứng cơ năng
Ngứa, vướng trong họng hoặc khô rát, nóng ở trong họng, thường khạc nhổ luôn, ra ít đờm nhày, có khi đóng thành vẩy. Có khi có cảm giác như có dị vật ở trong họng.
2.3. Triệu chứng thực thể
Tùy theo lứa tuổi, viêm họng mạn tính được xếp loại như sau:
Trẻ em thường hay bị viêm họng nang (pharyngite folliculaire) với những hạt lổn nhổn ở thành sau họng.
Thiếu niên và người lớn thường hay bị viêm họng xuất tiết và viêm họng quá phát.
Người cao tuổi hay bị viêm họng teo.
* Viêm họng mạn tính xuất tiết:
Khám thấy thành sau họng có chất tiết nhày trắng, trong, hơi dính vào niêm mạc, chảy từ vòm xuống và chảy xuống hạ họng, tạm thời mất đi khi bệnh nhân nuốt, cho thấy niêm mạc họng đỏ. Dần dần chất tiết nhày này trở thành đặc và khá dính vào niêm mạc họng.
Hình 2. Viêm họng mạn tính xuất tiết
* Viêm họng mạn tính quá phát:
Niêm mạc họng đỏ và dày lên, tổ chức bạch huyết phát triển mạnh, thành từng đám to nhỏ không đều, làm cho niêm mạc họng có những chỗ lồi lên mầu hồng hoặc đỏ gọi là hạt, có khi tập trung lại thành một dải gờ lên ở phía sau và dọc theo trụ sau (gọi là trụ giả), niêm mạc có nhiều mạch máu tân tạo và nhiều dải xơ.
Hình 3. Viêm họng mạn tính thể quá phát
* Viêm họng teo:
Niêm mạc họng teo dần, những tuyến nhày dưới niêm mạc cũng teo đi, làm cho niêm mạc họng từ đỏ thẫm biến thành hồng rồi nhợt, khô và có những vảy mỏng vàng, khô, bám vào từng chỗ. niêm mạc trở thành mỏng, các trụ sau như biến đi làm cho họng trở nên rộng hơn.
Hình 4. Viêm họng mạn tính thể xơ teo
3. Chẩn đoán
Chủ yếu dựa vào triệu chứng lâm sàng:
Ngứa, vướng họng, hay ho khạc nhổ, đằng hắng.
Nuốt có cảm giác vướng và đau.
Tiếng nói có thể khàn nhẹ hoặc bình thường.
Niêm mạc họng đỏ, ướt, có những hạt ở thành sau họng. Tiết nhày dọc theo thành sau họng. Hoặc niêm mạc họng dày và đỏ, có trụ giả ở sau trụ sau. Đến giai đoạn viêm họng teo thì thấy niêm mạc họng trở nên nhẵn, mỏng, trắng và có mạch máu nhỏ.
4. Điều trị
4.1. Điều trị nguyên nhân
Phải giải quyết các nguyên nhân như cắt amiđan (nếu bị viêm amiđan mạn), điều trị viêm mũi xoang…
Tránh các yếu tố kích thích như: bụi, hơi hoá chất, thuốc lá, rượu…
Nâng cao thể trạng, thay đổi cơ địa: vitamin A, D3; dùng nước suối khoáng…
4.2. Điều trị tại chỗ
Súc họng: mục đích đưa thuốc vào phía sau eo họng làm cho nó thấm vào niêm mạc họng miệng và họng thanh quản, bằng dung dịch muối đẳng trương hoặc dung dịch kiềm, dung dịch BBM.
Cách làm: bệnh nhân hít một hơi dài, ngậm một ngụm thuốc vào miệng rồi đầu ngửa ra sau và kêu “gơ, gơ…” liên tục làm cho thuốc trong miệng kêu lọc sọc. Lúc hết hơi cúi đầu về phía trước và nhổ thuốc ra ngoài, mỗi ngày làm 3 – 4 lần.
Chúng ta có thể dùng những thuốc sau đây:
Thuốc tan chất nhày: borat natri 5%; clorat kali 2%; salixylat natri 1% (pha với glyxerin hay mật ong).
Thuốc làm săn niêm mạc: phèn chua 2%.
Thuốc kiềm: bicabonat natri 0,14%.
Ngậm các loại: lá xạ cam; oropivalone; dorithricin; mekotricin…
Chấm họng bằng glycerin borat 3%; S.M.C (salicylat Na + menthol + cocain).
Khí dung họng: bằng hydrocortison + kháng sinh.
Trước khi khí dung phải cho bệnh nhân súc miệng sạch hết chất nhày ở thành họng, sau đó cho ngậm ống khí dung hít vào bằng miệng và thở ra bằng mũi.
Nếu có nhiều nhày dính ở thành sau họng, có thể rửa họng bằng dung dịch bicarbonat Na 0,14% ấm.
Rỏ mũi và chấm vào họng thuốc sát trùng nhẹ như argyrol.
Viêm họng quá phát: có thể đốt hạt lympho ở thành sau họng bằng côte điện hoặc nitơ lỏng, laser.
Viêm họng teo: không được đốt, chỉ rửa họng bằng dung dịch borat Na 1% cho hết vảy, rồi bôi thuốc kích thích (loại có Iod), thuốc dạng dầu. Khí dung nước muối biển từng đợt kéo dài. Uống vitamin C và vitamin A để tăng sức đề kháng niêm mạc.
4.3. Điều trị toàn thân
Dùng các thuốc giúp cho sự thay đổi cơ địa (đối với những người có cơ địa bạch huyết).
Điều trị các bệnh toàn thân: suy gan, suy thận, đái đường…
Sinh tố C liều cao.
Xem thêm: Thuốc An Phế Mộc An điều trị viêm họng hạt hiệu quả nhất hiện nay.
5. Phòng bệnh và phòng biến chứng
Phòng viêm họng cấp đỏ thông thường: nghỉ ngơi, giữ ấm, súc họng, rỏ mũi (với trẻ em).
Nếu hay tái phát cần loại trừ ổ viêm: nạo V.A (trẻ nhỏ), cắt amiđan.
Phòng viêm họng bạch hầu: thực hiện tiêm chủng phòng bạch hầu rộng rãi.
Phòng viêm họng mạn tính:
Không hút thuốc lá, hạn chế uống rượu.
Đeo khẩu trang phòng hộ khi tiếp xúc bụi, hoá chất.
Xử trí sớm các ổ viêm kế cận.
Súc họng hàng ngày bằng dung dịch kiềm ấm, nước muối.
Không có phản hồi